Thế chấp, cầm cố là các biện pháp bảo đảm được sử dụng phổ biến để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ trong quan hệ tín dụng. Các giao dịch này cũng được sử dụng để bảo đảm các nghĩa vụ khác như bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng, bảo lãnh cho người khác …
Giao dịch thế chấp
Là biện pháp bảo đảm mà đối tượng giao dịch là tài sản nhưng bên thế chấp không giao tài sản cho bên nhận thế chấp. Biện pháp này được sử dụng phổ biến để bảo đảm cho các khoản vay tiền tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Tài sản thế chấp thường là bất động sản hoặc tài sản có giá trị lớn và bên thế chấp thường chỉ giao giấy chứng nhận quyền sở hữu cho bên nhận thế chấp chứ không giao tài sản. Bên thế chấp vẫn được khai thác công dụng của tài sản thế chấp. Giao dịch thế chấp được lập thành hợp đồng. Các loại hợp đồng thế chấp phổ biến hiện nay:
1. Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;
2. Hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê;
3. Hợp đồng thế chấp căn hộ chung cư;
4. Hợp đồng thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai;
5. Hợp đồng thế chấp dự án xây dựng nhà ở;
6. Hơp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai;
7. Hợp đồng thế chấp xe ô tô, xe máy, phương tiện cơ giới;
8. Hợp đồng thế chấp tài sản là động sản khác;
9. Hợp đồng thế chấp cổ phần, cổ phiếu;
10. Hợp đồng thế chấp quyền tài sản;
11. Các loại hợp đồng thế chấp khác …
Giao dịch cầm cố
Tương tự như thế chấp, cầm cố là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, tuy nhiên điểm khác nhau là bên cầm cố sẽ phải giao tài sản cho bên nhận cầm cố. Biện pháp cầm cố thường được áp dụng phổ biến đối với các loại tài sản là động sản hoặc các loại tài sản không thể sử dụng biện pháp thế chấp. Giao dịch cầm cố cũng được lập thành hợp đồng, tuy nhiên số lượng giao dịch cầm cố có sử dụng dịch vụ công chứng là ít phổ biến hơn so với các giao dịch thế chấp. Các giao dịch cầm cố phổ biến:
1. Hợp đồng cầm cố ô tô, xe máy;
2. Hợp đồng cầm cố cổ phiếu, sổ tiết kiệm;
3. Hợp đồng cầm cố giấy tờ có giá;
4. Hợp đồng cầm cố nhà xưởng, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa…